Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Vì sao người bệnh tiểu đường dễ bị loét chân?

Biến chứng là nỗi lo lớn nhất của người bệnh tiểu đường, người bệnh dễ bị suy thận, cao huyết áp, lở loét chân. Vì sao người bênh tiểu đường dễ bị loét chân?
Loét bàn chân là hậu quả của bệnh lý thần kinh ngoại biên – do giảm nhận cảm và rối loạn thần kinh tự động và thiếu máu – do xơ vữa mạch của các mạch máu của chân. Ở người bệnh tiểu đường, những tổn thương mạch máu thường bị hai bên, tổn thương nhiều đoạn và ở xa, liên quan đến các động mạch phía dưới gối.
Tỷ lệ loét bàn chân ở bệnh tiểu đường là từ khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân. Lở loét bàn chân có thể khiến người bệnh mất đi sức lao động, gây tàn phế, giảm tuổi thọ. Điều trị viêm loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian. Có tới 50% trường hợp tiểu đường khi bị cắt cụt chi sẽ tử vong trong khoảng 2 năm do các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý mạch máu.
Câu hỏi đặt ra là tại sao người bệnh tiểu đường lại dễ bị loét bàn chân?
Người bệnh tiểu đường bị loét bàn chân là do các mạch máu bị tổn thương, làm giảm cảm giác, làm biến đổi cấu trúc của bàn chân làm thay đổi các điểm tỳ của bàn chân. Cũng do ảnh hưởng của bệnh lý thần kinh cảm giác, vận động trong một thời gian dài dẫn đến một tư thế đặc biệt của bàn chân, có thể khiến cho bàn chân phải chịu những tải trọng bất thường khi đi và đứng.
Sự mất cân bằng trong động tác co và duỗi làm ngón chân biến dạng, làm phần đầu các đốt bàn chân bị nhô ra trước, từ đó xuất hiện các áp lực lớn ở phía dưới các đầu xương bàn chân. Một áp lực liên tục ép lên một điểm trong khoảng thời gian vài giờ có thể gây nên hoại tử thiếu máu.
Khi người bệnh mang giày chật, vùng bị ép chặt quanh các ngón 1 và 5 có thể bị hoại tử thiếu máu, đặc biệt khi có phối hợp với bệnh lý mạch máu, hoại tử xuất hiện nhanh chóng hơn. Sự kết hợp của giảm nhạy cảm với cảm giác đau cùng các áp lực lớn khi đi, đứng và trọng lượng cơ thể dồn hết lên phía đầu xương bàn chân làm cho các vị trí này dễ bị loét. Mặt khác, giảm nhạy cảm với cảm giác đau làm bệnh nhân không nhận biết được các vết loét nhỏ, không để ý theo dõi nên đến khám muộn, làm tăng thêm nguy cơ loét bàn chân do tiểu đường.